Mỗi tháng Hải quan phải thu 24.870 tỷ đồng cho 5 tháng cuối năm.
Để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2017 do lãnh đạo Bộ Tài chính giao là 290.000 tỷ đồng, 5 tháng cuối năm ngành Hải quan còn phải thu 124.354 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 24.870 tỷ đồng, cao hơn bình quân 7 tháng đầu năm 1.206 tỷ đồng.
Có thể thấy, năm 2017, bình quân 7 tháng đầu năm mỗi tháng ngành Hải quan thu đạt 23.664 tỷ đồng, giảm 86 tỷ đồng/tháng so với dự toán (23.750 tỷ đồng/tháng). Để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2017 là 285.000 tỷ đồng, thì 5 tháng cuối năm ngành Hải quan còn phải thu 119.354 tỷ đồng, bình quân phải thu 23.870 tỷ đồng/tháng, cao hơn bình quân 7 tháng đầu năm 206 tỷ đồng/tháng.
Được biết, riêng số thu tháng 7/2017 của ngành Hải quan chỉ đạt 22.565 tỷ đồng, thấp hơn tháng 6/2017 khoảng 2.241 tỷ đồng. Số thu NSNN 7 tháng đầu năm đạt 165.646 tỷ đồng, bằng 58,1% dự toán, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Nguyên nhân số thu tháng 7/2017 thấp hơn tháng 6/2017 chủ yếu là do kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế tháng 7/2017 giảm 8,07% so với tháng 6/2017, giảm đều ở các mặt hàng chủ đạo: xăng dầu giảm 206 tỷ đồng, dược phẩm giảm 102 tỷ đồng, sắt thép & kim loại thường giảm 85 tỷ đồng, hàng điện gia dụng giảm 260 tỷ đồng… nhiều nhất là ô tô nguyên chiếc giảm 745 tỷ đồng (trong đó ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ đạt 2.537 chiếc giảm 703 chiếc làm giảm thu 602 tỷ đồng; đồng thời giảm 1.870 chiếc so với bình quân 6 tháng đầu năm và làm giảm thu khoảng 805 tỷ đồng so với bình quân 6 tháng đầu năm).
Tính đến 31/7/2017, có 21 Cục Hải quan tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu tương đương hoặc cao hơn tỷ lệ thu của toàn ngành so với dự toán (58,1%) chiếm 36,9%/tổng số thu toàn ngành, trong đó có một số đơn vị có số thu lớn như Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Một số đơn vị đạt cao như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nam Ninh. Tuy nhiên, một số đơn vị có số thu lớn như Hải Phòng chỉ đạt 53% dự toán, TP.HCM đạt 55% dự toán, 2 đơn vị này chiếm tới 56%/tổng thu của toàn Ngành.