Bắt buộc đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu bị triệu hồi, trả về

Đó là một trong những nội dung quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Theo đó, doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản (TACN) nhập khẩu, bị triệu hồi hoặc trả về.

Để đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng TACN, doanh nghiệp lập một bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng TACN gửi về cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định.

Đối với việc đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng TACN nhập khẩu, doanh nghiệp cần nộp Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng.

Bản sao chụp có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, phiếu đóng gói (Packing list), hóa đơn mua bán (Invoice), phiếu kết quả phân tích chất lượng của nước xuất xứ cấp cho lô hàng (Certificate of Analysis), nhãn sản phẩm của nhà sản xuất; bản tiêu chuẩn công bố áp dụng của đơn vị NK.

Báo cáo tình hình NK và tiêu thụ lô hàng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhập khẩu trước đó và kế hoạch tiêu thụ số lượng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh đăng ký NK.

Đối với việc đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng TACN bị triệu hồi, trả về, doanh nghiệp cần nộp 03 bản Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng.Bản sao chứng thực các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, giấy xác nhận chất lượng của lô hàng trước khi xuất khẩu (nếu có), văn bản triệu hồi hoặc thông báo trả về trong đó nêu rõ nguyên nhân triệu hồi hoặc trả về.

Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan kiểm tra xác nhận vào giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng, trong đó có thông báo cho doanh nghiệp về nội dung kiểm tra, thống nhất thời gian và địa điểm sẽ thực hiện kiểm tra.

Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là những sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống (hoặc bổ sung vào môi trường nuôi đối với thức ăn thủy sản) ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến, bảo quản, bao gồm thức ăn dinh dưỡng và thức ăn chức năng ở các dạng:

Nguyên liệu, thức ăn đơn; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh; thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung, phụ gia thức ăn và các sản phẩm bổ sung vào môi trường nuôi (đối với thức ăn thủy sản) nhằm tạo thức ăn tự nhiên, ổn định môi trường nuôi, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.

nguồn : Hải Quan Việt Nam