Đầu tư cho khoa học công nghệ là yếu tố sống còn của doanh nghiệp

Hiện nay nhiều doanh nghiệp có xu thế kinh doanh sản phẩm ít đầu tư chất xám, không đặt nặng vấn đề nghiên cứu khoa học bài bản để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng- điều khiến sự phát triển của doanh nghiệp thiếu bền vững. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lưu Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải – OIC New.

Trao đổi giữa Thạc sĩ Lưu Hải Minh về vấn đề doanh nghiệp

Không ít người kinh doanh hiện nay ngộ nhận về 2 từ “Start up”- khởi nghiệp, là một người có nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ông có thể nói gì về điều này?

Hiện nay đang tồn tại thực trạng là nhà nhà, người người Start up nhưng vẫn chưa hiểu bản chất của cụm từ này. Định nghĩa trên thế giới cho rằng Start up là công nghệ còn đa phần các bạn trẻ Việt Nam hiện nay cứ nghĩ Start up là mở các cửa hàng ốc, bánh, cà phê… Tôi cho rằng mỗi cá nhân muốn khởi nghiệp thành công phải làm chủ công nghệ, đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ bài bản. Còn trên phạm vi rộng hơn, một thành phố, một đất nước muốn khởi nghiệp thành công phải có hàng nghìn, hàng triệu doanh nghiệp công nghệ cao, có như vậy xã hội mới phát triển, vị thế Việt Nam mới được nâng cao trên trường quốc tế.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thương trường luôn khốc liệt, khi một doanh nghiệp mất thời gian đầu tư vào công nghệ, vào nghiên cứu khoa học thì nhiều doanh nghiệp khác “đi tắt, đón đầu” thu lợi lớn, vậy ông có thể chia sẻ điều gì về quan điểm này?

Thương trường là chiến trường, bất cứ doanh nghiệp nào muốn tồn tại phát triển bền vững thì phải đưa ra những chiến thuật riêng, song không thể bỏ qua việc đầu tư cho công nghệ như tôi nói ở trên và khi đầu tư cho công nghệ, doanh nghiệp không lo sẽ bị bỏ lại bởi thị trường là vô tận, việc cần làm của mỗi doanh nghiệp là kiếm tìm được cơ hội và đối tượng khách hàng riêng cho mình.

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà thị trường công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, việc các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới phát triển nếu cứ lấy cạnh tranh đối đầu và trực diện theo kiểu ra sức tìm kiếm lợi thế so sánh, giành giật từng phân đoạn thị trường và không ngừng cá biệt hóa sản phẩm thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi so với các doanh nghiệp lớn.

Do vậy, từ kinh nghiệm cá nhân của doanh nghiệp OIC- một doanh nghiệp có hơn 20 năm làm trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, chúng tôi tìm tới những thị trường công nghệ cao chưa được khám phá, chẳng hạn như công nghệ Nano. Một ví dụ nổi bật chính là sản phẩm Liquid Nano Curcumin OIC (LNCO) mà OIC NEW nghiên cứu sản xuất được người tiêu dùng đón nhận và có Bằng Độc quyền Sáng chế số 16095.

Vậy ông nhận thấy tiềm năng của công nghệ nano của Việt Nam thế nào trong tương lai?

Ở Hà Nội hiện tại có 35 doanh nghiệp khoa học công nghệ/ 350.000 doanh nghiệp đăng kí, tỉ lệ 1/10.000, cứ 10.000 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp khoc học công nghệ, như vậy cho thấy tỉ lệ này còn khá khiêm tốn.

Với công nghệ nano, đây là xu thế mới mà hiện OIC NEW đang ứng dụng. Tuy nhiên, để làm chủ công nghệ có kích thước siêu nhỏ này không phải là một điều dễ dàng, đòi hỏi ở người nghiên cứu sự kiên trì và bản lĩnh vượt qua những thách thức. Tuy nhiên, nếu không dám đầu tư vào công nghệ cao thì sẽ không bao giờ có sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Tất cả những thành công trên thế giới này đều bắt nguồn từ những ý tưởng táo bạo và cần rất nhiều thời gian và phải nỗ lực cố gắng hết mình với niềm tin tuyệt đối cùng sự trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước.

Được biết, trên cương vị là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội và là chủ một doanh nghiệp được đánh giá cao trên thị trường, ông có thể chia sẻ bí quyết và có lời nhắn nào gửi đến các Starup?

Với tôi, quan trọng nhất là giữ được uy tín cá nhân trong quan hệ thương mại. Muốn làm được điều đó, các doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ tốt, sản phẩm tốt và phải chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm dịch vụ của mình. Chúng tôi luôn đặt vấn đề hợp tác quốc tế trong từng nghiên cứu đơn lẻ của Công ty. Hiện nay chúng tôi đã có sự hợp tác nghiên cứu với các công ty tại Châu Âu và Nhật bản để tạo ra các sản phẩm nano từ các hợp chất thiên nhiên Việt nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Startup nhất thiết phải đổi mới sáng tạo và phải “có công nghệ”. Khi đã có sản phẩm mang tính công nghệ thì quan trọng nhất là không được bỏ cuộc. Đã là doanh nghiệp khoa học công nghệ mà bỏ cuộc thì sẽ “chết” thê thảm.

Về bí quyết thành công của Công ty Công nghệ Mới Nhật Hải, chúng tôi biết phân khúc thị trường, hướng tới đối tượng nhất định, không dàn trải, liên tục nghiên cứu phát triển sản phẩm, tạo ra niềm tin vững chắc cho khách hàng. Ngoài ra, Công ty chỉ tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D), định hướng ứng dụng 4.0 bởi ứng dụng IoT và AI vào tất cả các quy trình sản xuất để tang năng suất. Công ty cũng học tập mô hình tiên tiến của các công ty công nghệ lớn trên thế giới khi tạo kênh phân phối còn phần sản xuất sẽ chuyển giao cho các công ty dược phẩm có uy tín thực hiện theo Quy trình ISO (tiêu chuẩn hóa quốc tế) và GMP (hướng dẫn thực hành sản xuất tốt).

xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo baohaiquan.vn