Các vấn đề về thủ tục hải quan, thuế, trị giá hải quan, phân loại hàng hóa… là những nội dung chính trong các văn bản được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Hải quan tuần 1 tháng 04/2017.
Tại công văn số 1955/THCQ-TXNK và công văn số 1956/TCHQ-TXNK ngày 24/3/2017, Tổng cục Hải quan thông báo Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long và Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước với Tổng cục Hải quan. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, có 35 ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu với Tổng cục Hải quan.
Phúc đáp công văn số 2017-102/RHV của Công ty TNHH Rohm and Hass Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 1978/TCHQ-XNK về việc phân loại hàng hóa. Theo đó, căn cứ vào kết quả phân tích, Tổng cục Hải quan xác định mặt hàng “Thuốc diệt nấm dùng cho sản xuất sơn, thành phần chứa 2-methyl-2H-Isothiazol-3-one trong nước, hàm lượng rắn 9%” có mã HS 3808.92.90 (giữ nguyên như kết quả đã thông báo tại công văn số 7409/TB-TCHQ).
Cũng về phân loại hàng hóa, Tổng cục Hải quan cho biết tại công văn số 2003/TCHQ-TXNK ngày 27/3/2017, mặt hàng nhập khẩu của Công ty CP Thương mại Dược phẩm – Mỹ phẩm Hà Nội là Natri hydrocarbonat đã được đóng gói trong túi, túi có cấu tạo để gắn trực tiếp với máy chạy thận nhân tạo Fresenius Medical Care 4008/5008 nên được phân loại vào mã số 3004.90.89
Hướng dẫn sử dụng mã loại hình và lập báo cáo quyết toán, tại công văn số 599/GSQL-GQ2, Tổng cục Hải quan cho biết: Khi nhập khẩu nguyên liệu vật tư để gia công cho thương nhân nước ngoài thì khai mã loại hình là E21, khi xuất sản phẩm gia công khai mã loại hình là E52.
Riêng đối với nguyên liệu, vật tư nhập theo loại hình SXXK trước khi ký kết hợp đồng gia công, nếu được thỏa thuận bên nhận gia công sử dụng nguyên liệu, vật tư này cung ứng cho hợp đồng gia công thì thực hiện theo điểm d Khoản 1 Điều 61 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.
Đối với báo cáo quyết toán nguyên phụ liệu của tổ chức, cá nhân thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài thì căn cứ theo quy định tại điểm a.2 Khoản 3 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC nói trên.
Về thời gian ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Biểu thuế xuất nhập khẩu năm 2017, Bộ Tài chính có công văn số 3740/BTC-CST cho biết: Thông tư ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo AHTN 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Danh mục này là cơ sở để xây dựng danh mục các Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi (MFN) và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA) của Việt Nam. Vì vậy các Nghị định về các biểu thuế này và Quyết định về áp dụng thuế suất thông thường sẽ được sửa đổi trong năm 2017 để thống nhất với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và cùng có hiệu lực từ 01/01/2018.
Trả lời vướng mắc về trị giá hải quan của Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Thái, Tổng cục Hải quan cho biết tại Công văn số 959/TXNK-TCHQ ngày 27/3/2017 như sau:
Theo quy định thì người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực về việc khai báo. Trường hợp có nghi ngờ về trị giá khai báo, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra trị giá khai báo trong quá trình làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan theo quy định. Trường hợp cơ quan hải quan bác bỏ trị giá khai báo, ấn định thuế thì công ty cần thực hiện nộp đủ tiền thuế theo quyết định ấn định thuế, tiền phạt (nếu có) và có quyền khiếu nại theo quy định tại Luật khiếu nại.
Ngày 29/3/2017 Tổng cục Hải quan có công văn số 643/GSQL-GQ1 gửi Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam thông báo trường hợp 02 xe ô tô đầu kéo sản xuất năm 2011, nhập khẩu năm 2017 là quá 5 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu theo quy định.
Trả lời vướng mắc về chính sách thuế đối với hàng SXXK, hàng XK để gia công, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn cụ thể tại công văn 995/TXNK-CST ngày 29/3/2017. Theo đó, các trường hợp miễn thuế đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp lý, đặc biệt lưu ý “không có trường hợp miễn thuế xuất khẩu đối với hàng hóa được sản xuất, chế biến từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu của các tờ khai đăng ký từ ngày 01/9/2016”.
Tại công văn số 639/GSQL-GQ3 ngày 29/3/2017, Tổng cục Hải quan cho biết “hàng hóa tạm xuất – tái nhập đi sửa chữa của Công ty TNHH CCI Việt Nam phải làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý DNCX và thực hiện thông quan lô hàng tại Chi cục Hải quan này”.
Hướng dẫn thủ tục hải quan và hồ sơ hải quan đối với giao dịch bán hàng theo trị giá CIF cho khách hàng trong nước, Tổng cục Hải quan cho biết tại công văn số 628/GSQL-GQ1 ngày 29/3/2017 như sau:
Không yêu cầu phải nộp hóa đơn giá trị gia tăng trong trường hợp chủ hàng mua hàng từ người bán hàng tại Việt Nam nhưng được người bán chỉ định nhận hàng từ nước ngoài, cơ quan hải quan chấp nhận hóa đơn người bán tại Việt Nam phát hành cho chủ hàng.
Đối với C/O mẫu E: Trường hợp hóa đơn thương mại do nước thứ 3 phát hành, việc kê khai trên C/O thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2010/TT-BCT ngày 25/11/2013 và công văn số 5467/TCHQ-GSQL ngày 16/9/2013 của Tổng cục Hải quan.
Đối với C/O mẫu D, trường hợp hóa đơn thương mại do nước thứ 3 phát hành, việc kê khai trên C/O thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 03/10/2016 và công văn số 997/TCHQ-GSQL ngày 20/2/2017 của Tổng cục Hải quan.
Về trị giá tính thuế của hàng nhập khẩu: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC và Thông tư số 30/2015/TT-BTC.
nguồn : Hải Quan Việt Nam