Với mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, giảm thời gian thông quan hàng hóa, trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã giữ vai trò “đầu tàu” thúc đẩy các bộ, ngành cùng đổi mới phương thức quản lý, KTCN đối với hàng hóa XNK.
Tham mưu nhiều giải pháp quan trọng
Tại “Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu- Doing Business 2018” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 10/2017, trong chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới”, các chỉ số thành phần về thời gian và chi phí XK đều có sự chuyển biến tích cực so với năm trước. Thời gian NK qua biên giới là 132 giờ, giảm 6 giờ so với năm 2016; thời gian XK qua biên giới là 105 giờ, giảm 3 giờ so với năm 2016; chi phí thực hiện thủ tục tại biên giới cũng giảm 19 USD.
Với kết quả trên, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới của Việt Nam đã rút ngắn đáng kể, đứng trong top 4 khu vực Đông Nam Á (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam).
Phân tích về chỉ số này, ông Kim Long Biên-Phó Trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan cho biết, tổng thời gian thông quan hàng qua biên giới thuộc trách nhiệm của cả cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành khác. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đối với thời gian thực hiện thủ tục hải quan, còn các bộ, ngành khác liên quan chịu trách nhiệm đối với thời gian thực hiện thủ tục KTCN đối với hàng hóa XNK. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp để phấn đấu giảm thời gian thuộc trách nhiệm của mình (chỉ chiếm 28% trong tổng số thời gian thông quan hàng hóa). Ngoài trách nhiệm này, Tổng cục Hải quan cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ để quyết liệt triển khai để thay đổi căn bản phương thức KTCN.
Là người nhiều năm gắn bó với lĩnh vực này, ông Ngô Minh Hải-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành thực hiện các giải pháp cải cách hoạt động quản lý, KTCN.
Nếu như năm 2015, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã “định hình” được bức tranh toàn diện những hạn chế, bất cập của công tác quản lý, KTCN, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 về phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XK, NK, giao các bộ, ngành thực hiện các giải pháp được nêu trong Đề án; đặc biệt là việc “điểm danh” được 87 văn bản đang gây khó khăn cho hoạt động XNK; thì đến năm 2017, theo thống kê mới nhất, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 66/87 văn bản; đang sửa đổi, bổ sung 21 văn bản theo Quyết định 2026/QĐ-TTg. Đây là kết quả Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) thường xuyên kiến nghị và đôn đốc cũng như làm việc trực tiếp với các bộ, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về KTCN.
Để việc triển khai các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kịp thời, năm 2017, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã đưa ra kiến nghị quan trọng là cần thiết phải có đơn vị theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo ở các bộ, ngành. Cụ thể, tại Báo cáo số 43/BC-BTC ngày 12/5/2017 về tình hình và kết quả thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về công tác KTCN đối với hàng hóa XNK, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ cho Tổ công tác của Chính phủ theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý và KTCN nêu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và các Nghị quyết 19/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự “vào cuộc” của Chính phủ bằng việc lần đầu tiên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành để nắm bắt, đôn đốc việc cải cách công tác KTCN hàng hóa XNK. Cũng từ đó, Tổ công tác đã báo cáo Chính phủ những vấn đề bất cập, những thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Chủ động kết nối
Ngoài việc kiến nghị các bộ, ngành về việc thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục KTCN, năm 2017, trước những thay đổi của Danh mục hàng hóa XNK mới, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đợt làm việc tập trung để áp mã số HS đối với danh mục hàng hóa chuyên ngành. Theo ông Ngô Minh Hải, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam 2017 (ban hành kèm Thông tư 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính) được chi tiết thành 10.813 dòng hàng ở cấp độ 8 số. So với Danh mục AHTN 2012 thì Danh mục AHTN 2017 đã tăng lên 1.255 dòng, giữ nguyên mô tả tiếng Anh và mã số của 7.810 dòng, gộp 682 dòng; tách mã, chuyển mã và mở dòng với mô tả mới là 2.321 dòng. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa quản lý và KTCN, nhằm phù hợp với những thay đổi về mã HS nhiều dòng hàng trong Danh mục hàng hóa XK, NK năm 2017.
Trong tháng 10/2017, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức đợt làm việc tập trung áp mã số HS đối với 50 danh mục hàng hóa chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế, Công Thương, Ban Cơ yếu Chính phủ, qua đó các bộ sẽ công bố các danh mục chuyên ngành có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý.
Trong tháng 12/2017, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Y tế; Văn hóa thể thao và Du lịch; Quốc phòng; Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước; Khoa học và Công nghệ rà soát việc triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết 19/2017/NQ-CP và Quyết định 2026/QĐ-TTg về công tác KTCN đối với hàng hóa XNK. Trong đó tập trung vào việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, vướng mắc, chưa đáp ứng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; rà soát các mặt hàng XK, NK đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, nhiều hình thức quản lý, kiểm tra để đề xuất phương án đổi mới. Đồng thời rà soát, áp mã HS các Danh mục hàng hóa chuyên ngành của các bộ phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam được ban hành kèm Thông tư 65/2017/TT-BTC.
Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cải cách KTCN ở các bộ, ngành, ông Ngô Minh Hải cho biết, trong thời gian tới cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các mặt hàng XNK đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục KTCN để đề xuất phương án đổi mới KTCN theo hướng giảm các giấy tờ, thủ tục chồng chéo, giảm thiểu đầu mối KTCN đối với một mặt hàng nhập khẩu; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiến hành rà soát và mã hóa chính sách quản lý hàng hóa XNK phục vụ thông quan trên Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành triển khai thực hiện Quyết định 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020…
Đặc biệt, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả KTCN hàng hóa XNK tại cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Hải quan thí điểm kiểm tra hiệu suất, chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với một số mặt hàng XNK. Cục Kiểm định hải quan (Tổng cục Hải quan) đã thí điểm tiếp nhận một số mặt hàng đủ năng lực triển khai (rau củ quả, phân bón, sắt, thép, sữa); trang bị phòng kiểm định di động (xe mobile lab) để phục vụ công tác KTCN tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai). Nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, số lượng cán bộ KTCN theo hướng chuyên sâu cho Cục Kiểm định và các Chi cục Kiểm định hiện có. Phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành xác định nhu cầu đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các khu vực có lưu lượng XNK hàng hóa nhiều phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, đang dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện KTCN tại cơ quan Hải quan.
Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc hiện thực hóa các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cộng đồng DN kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về cải cách hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK trong thời gian tới.