Sẽ kết nối thêm hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng để hoàn thành việc triển khai chính thức Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không trên phạm vi cả nước là một nội dung quan trọng hàng đầu đang được ngành Hải quan tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu năm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết, những mốc thời gian đặt ra trong triển khai Hệ thống trong năm nay là hết sức khẩn trương. Trong đó, ngay những ngày đầu năm, Cục CNTT và Thống kê hải quan đã phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM và Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu triển khai thí điểm ở 2 đơn vị quan trọng khu vực phía Nam. Đồng thời, Cục đang tích cực phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội để chuẩn bị tổ chức sự kiện triển khai chính thức tại cảng hàng không (khu vực cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài) vào tháng 2 tới. Tiếp đó, đơn vị sẽ phối hợp với các cục hải quan quản lý cảng biển, cảng hàng không quốc tế để triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động trên phạm vi toàn quốc.
“Mục tiêu đặt ra đến hết quý III/2018, các Cục Hải quan: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Cần Thơ sẽ hoàn thành việc triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại tất cả các cảng biển, cảng hàng không. Trên cơ sở kết quả khảo sát của các cục hải quan nêu trên, dự kiến để hoàn thành việc triển khai Hệ thống cơ quan Hải quan sẽ thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với khoảng 180 doanh nghiệp đối tác”- Phó Cục trưởng Lê Đức Thành nói.
Qua thực tế triển khai tại Cục Hải quan Hải Phòng, và thí điểm tại Cục Hải quan Hà Nội, TP.HCM và Bà Rịa- Vũng Tàu cho thấy khối lượng công việc đặt ra cho cơ quan Hải quan và cả doanh nghiệp đối tác là rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao độ.
Bởi đối tượng sẽ tham gia kết nối gồm cả cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng đường biển, đường không, các hãng tàu, hãng hàng không, đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận, đại lý hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cơ quan quản lý của các bộ, ngành và những bên liên quan khác. Trong khi đó, hạ tầng về CNTT, quy trình quản lý ở từng đơn vị có đặc điểm khác nhau đòi hỏi việc chuẩn hóa, đảm bảo yêu cầu kết nối là rất quan trọng nhưng cũng đầy thách thức.
Vì vậy, để triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, sẽ đòi hỏi các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ, giải pháp một cách nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả. Phó Cục trưởng Lê Đức Thành cho biết: Với Cục CNTT và Thống kê hải quan phải xây dựng và trình lãnh đạo Tổng cục ban hành Kế hoạch triển khai mở rộng Hệ thống; chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, điều phối trong quá trình triển khai hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động tại các đơn vị trong toàn ngành; đồng thời hỗ trợ xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh của các đơn vị; tiếp tục hoàn thiện Hệ thống và phối hợp với các cục hải quan địa phương đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng…
Bên cạnh đó là nhiệm vụ hỗ trợ các cục hải quan địa phương khảo sát điều kiện thực tế hoạt động, hạ tầng kỹ thuật CNTT, yêu cầu kỹ thuật tại các đơn vị (cả phía Hải quan và doanh nghiệp). Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện các chức năng của Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không đáp ứng yêu cầu (theo đặc thù) của tất cả các đơn vị…
Đối với các cục hải quan địa phương sẽ triển khai Hệ thống cần tổ chức rà soát và hoàn thành các điều kiện để đảm bảo triển khai mở rộng theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Đặc biệt, theo Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan Lê Đức Thành, kinh nghiệm triển khai vừa qua cho thấy, yêu cầu quan trọng đặt ra là các đơn vị phải bố trí, phân công công việc cụ thể, khoa học cho các thành viên của Ban triển khai để sớm đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai như: Đầu tư, trang bị, nâng cấp hạ tầng CNTT của cơ quan Hải quan tại các địa điểm sẽ triển khai; hướng dẫn và hỗ trợ các chi cục, các doanh nghiệp tìm hiểu quy trình trao đổi thông tin, yêu cầu kỹ thuật và xây dựng phần mềm kết nối với cơ quan Hải quan…
Cùng với đó là tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho CBCC Hải quan và doanh nghiệp, đảm bảo CBCC, nhân viên sử dụng thành thạo Hệ thống sau khi được đưa vào vận hành. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và công chức hải quan về chủ trương, định hướng, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung triển khai Hệ thống…
Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch XNK và lượng tờ khai hải quan những năm gần đây rất lớn, nên khối lượng công việc đặt ra đối với ngành Hải quan cũng tăng lên rất nhanh. Trung bình 5 năm trở lại đây mức tăng về kim ngạch XNK là 13,2% nên quy mô kim ngạch tăng mạnh từ 264,1 tỷ USD năm 2013 đã lên 425,12 tỷ USD vào năm 2017; cùng với đó tốc độ tăng trưởng giao dịch (số lượng tờ khai hải quan) trung bình hàng năm là 16,9% từ 5,9 triệu tờ khai năm 2013 lên 11,31 triệu tờ khai năm 2017, trong khi đó yêu cầu về giảm thời gian thông quan hàng hóa cũng đang là nhiệm vụ cấp bách với mục tiêu thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ. Đây chính là sức ép lớn đối với cơ quan Hải quan trong bối cảnh phải thực hiện đồng thời, hiệu quả 2 nhiệm vụ: Tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo yêu cầu quản lý. Vì vậy, việc sớm hoàn thành thực hiện chính thức Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không trên phạm vi cả nước có vai trò hết sức quan trọng để giải đáp yêu cầu của bài toán trên”. Ông Lê Đức Thành, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan |