Ngày 09/10/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg kèm theo Quy chế phối hợp giữa các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma tuý tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển. Qua thời gian tổ chức thực hiện Quy chế, sự phối hợp giữa các lực lượng đã đem lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại các cửa khẩu, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích thực hiện Quy chế phối hợp 607 tại sân bay TSN
Theo Tổng cục Cảnh sát, thời gian thực hiện Quy chế phối hợp theo Quyết định số 133 nêu trên đã được 14 năm, với nhiều sự biến động, thay đổi về tình hình, diễn biến các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị tham gia phối hợp… Do đó, cần thiết phải tổng kết việc thực hiện Quy chế phối hợp nhằm đánh giá tổng quát về tình hình, kết quả công tác phối hợp giữa các lực lượng, đề ra phương hướng tiếp tục phối hợp thực hiện các mặt công tác trong thời gian tới.
Đồng thời, các đơn vị phối hợp cần có sự đổi mới, mở rộng hơn về nội dung, hình thức phối hợp, không chỉ trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy; cần sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện hơn giữa từng lực lượng đề phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua và định hướng cho công tác phối hợp trong tình hình mới, Tổng cục Cảnh sát đã có văn bản đề xuất với Tổng cục Hải quan về chủ trương tổ chức tổng kết công tác phối hợp giữa các lực lượng theo Quy chế phối hợp kèm theo Quyết định sô 133 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2002 – 2016). Mục đích của việc tổng kết nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác phối hợp giữa các lực lượng thời gian qua, đồng thời làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; trao đối, chia sẻ thông tin, tình hình và kinh nghiệm, thông qua đó để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng.
Đồng thời, Tổng cục Cảnh sát cũng đề xuất xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Hải quan nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của từng lực lượng và tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là đấu tranh với tội phạm và vi phạm qua các cửa khẩu (không chỉ riêng về đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy).
Được biết, thực hiện Quyết định số 133/QĐ-TTg, Cục Hải quan TP.HCM đã ký kết Quy chế phối hợp số 607/QCPH với Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (C47B) và các lực lượng chức năng trên địa bàn sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Qua thời gian thực hiện quy chế, lực lượng hải quan đã nắm bắt kịp thời các phương thức thủ đoạn cất giấu, tuyến trọng điểm vận chuyển ma túy của tội phạm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát và phát hiện ngăn chặn có hiệu quả tội phạm vận chuyển ma tuý qua đường sân bay Tân Sơn Nhất.
Việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế 607 trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả cao, theo đó lực lượng Hải quan và Công an đã phối hợp điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển ma tuý, khám phá nhiều đường dây liên quan đến tội phạm gốc Phi, các đường dây vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam vận chuyển sang Úc, góp phần hạn chế hoạt động của tội phạm vận chuyển ma túy qua đường hàng không tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, được Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Hải quan khen thưởng nhiều lần.
Tuy nhiên, với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy qua tuyến đường biển tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay được xem là trọng yếu nhưng vẫn chưa có quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an và Hải quan. Do đó, thiết nghĩ đề xuất nêu trên của Tổng cục Cảnh sát là cấp thiết và cần sớm được lãnh đạo hai lực lượng quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện.
Nguồn: haiquan.hochiminhcity.gov.vn