Các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn đang hấp dẫn.
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quí 4-2016 của EuroCham công bố ngày 21/2 cho thấy những đánh giá khả quan về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp EU tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) đã kết thúc đàm phán và đang trong giai đoạn chờ phê duyệt. Các doanh nghiệp EU đặc biệt coi Việt Nam như cửa ngõ để có thể tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn là khu vực ASEAN thông qua sự hình thành Cộng đồng Kinh tế chung (AEC).
Theo kết quả điều tra mới này, có tới 73% các doanh nghiệp EU có kết quả làm ăn tốt và rất tốt tại thị trường Việt Nam, chỉ có khoảng 5,5% cho rằng kết quả kinh doanh không tốt so với kế hoạch hoặc thua lỗ. Bên cạnh đó, có tới 76% doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam và có khoảng 55% dự kiến sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm nhân sự nhằm đáp ứng kế hoạch kinh doanh mở rộng. Chỉ có khoảng 6,7% cho rằng họ sẽ sa thải nhân sự do thu hẹp hoạt động. Ngoài ra, có tới 90% doanh nghiệp cho rằng sẽ duy trì hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Trước đó, kết quả khảo sát BCI quí 3-2016 cho thấy khoảng 52% doanh nghiệp dự định sẽ tăng số lượng lao động, trong đó khoảng 16% sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có ý định duy trì mức độ đầu tư trong nước, chiếm khoảng 41% tổng số. Số lượng phản hồi dự định tăng mức đầu tư cũng không thua kém, chiếm 39% tổng số phản hồi và 17% dự định tăng đáng kể mức đầu tư. Số lượng doanh nghiệp phản hồi thoái vốn rất giới hạn, chưa đến 1%, giảm đáng kể so với 7% của quí trước.
Hiện EuroCham có hơn 900 thành viên, đã có văn phòng tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Dự định trong năm 2017, EuroCham sẽ mở văn phòng đại diện tại Hải Phòng nhằm hỗ trợ vướng mắc cho các doanh nghiệp EU tại đây. EuroCham sẽ tiếp tục tập trung vào việc thực thi EVFTA một cách hiệu quả; các hoạt động liên quan tới việc quảng bá Việt Nam giống như một cửa ngõ cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường AEC. Ngoài ra còn có các chủ đề khác như thành phố thông minh, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và những việc liên quan tới sự minh bạch, quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính.
Trước đó, theo khảo sát mới công bố của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, hơn 66% doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Cụ thể, có đến gần 67% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Con số cao hơn hẳn so với đánh giá mà giới kinh doanh Nhật Bản dành cho các nền kinh tế như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và kể cả Trung Quốc. Gần như 9/10 doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định doanh thu đang tăng là động lực thôi thúc họ mở mang sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.
Đáng chú ý, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM còn cho hay: Năm 2017 và các năm tới nữa, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn có xu hướng rót vốn vào ngành hàng tiêu dùng, ngành bán lẻ và những dịch vụ liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân ở Việt Nam. Và từ đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có cơ hội phát triển theo như: Cung cấp nguyên liệu, sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp Nhật Bản phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng địa phương.
Khi đánh giá về môi trường đầu tư, Việt Nam được giới kinh doanh Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 4 trên bảng tổng sắp 14 nền kinh tế châu Á có mặt trong khảo sát với tiêu chí về “Tình hình chính trị-xã hội ổn định”. Đồng thời xếp thứ 5 về quy mô, tiềm năng tăng trưởng của thị trường nội địa và chi phí nhân công rẻ. Môi trường sống thuận lợi cho lao động nước ngoài cũng là điểm Việt Nam nhận được bình chọn tích cực khi nằm trong top 6 nền kinh tế dẫn đầu. Đáng tiếc, Việt Nam lại bị nhà đầu tư Nhật cho vào cuối bảng xếp hạng về “Rào cản ngôn ngữ”.
Dù vậy, chi phí nhân hiện cũng là quan ngại lớn nhất của nhóm nhà đầu tư này. Thống kê của JETRO cho rằng số tiền doanh nghiệp Nhật Bản thực chi cho nhân công khối chế tạo đã đạt mức 4.000 USD/người/năm, gấp 2,2 lần so với năm 2010.
Những rủi ro kinh doanh phổ biến nhất đều được nhà đầu tư Nhật Bản cho là đã có xu hướng giảm đi rõ rệt so với khảo sát trước đó vào năm 2015. Đặc biệt, khảo sát vừa qua đã cho thấy, thủ tục hành chính, hệ thống thuế và hành lang pháp lý nói chung của Việt Nam được cho là 3 tiêu chí có cải thiện rất ấn tượng.
nguồn : haiquan.hochiminhcity.gov.vn