Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn vừa ký ban hành Quyết định số 4429/QĐ-TCHQ về việc ban hành Kế hoạch hợp tác và hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Kế hoạch đã đưa ra mục tiêu duy trì và tăng cường hợp tác thực chất với các cơ quan hải quan trên thế giới nhằm tạo thuận lợi thương mại và tăng cường kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng cấm và các chất ma túy qua biên giới.
Bên cạnh đó, đảm bảo việc đàm phán, triển khai, thực hiện các cam kết về hội nhập liên quan đến hải quan một cách hiệu quả, đáp ứng mục tiêu bảo vệ lợi ích chủ quyền kinh tế quốc gia.
Đồng thời, khẳng định được hình ảnh và thể hiện được vai trò chủ động, tích cực và là thành viên có trách nhiệm trên các diễn đàn hải quan quốc tế, đa phương và khu vực.
Những kết quả đạt được về hợp tác và hội nhập quốc tế
Về hợp tác song phương, trong thời gian qua, hợp tác với hải quan các nước đã được mở rộng từ các nước bạn bè truyền thống sang hợp tác với hải quan các nước có quan hệ kinh tế thương mại lớn với Việt Nam. Hoạt động hợp tác quốc tế nhằm mục đích quản lý tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc trao đổi thông tin nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm nghiệp vụ.
Nhiều hiệp định, thoả thuận hợp tác hải quan đã được ký kết, nhằm nâng cao hiệu quả tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới, đồng thời tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển các chất ma tuý hàng cấm qua biên giới, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo an ninh, chủ quyền lợi ích kinh tế quốc gia.
Cho đến thời điểm hiện tại, có 13 Hiệp định cấp chính phủ và 21 Thỏa thuận cấp Ngành liên quan đến lĩnh vực hải quan được ký kết.
Về hợp tác đa phương, việc gia nhập Tổ chức Hải quan Thế giới (tháng 7/1993) đã giúp hải quan Việt Nam chuyển dần từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ hải quan tiên tiến của thế giới.
Cùng với tiến trình hội nhập chung của đất nước, hải quan Việt Nam đã chủ động và tiến hành hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ thể chế đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, GMS trên cả cấp độ tiểu khu vực, khu vực và thế giới.
Quá trình đàm phán và chuẩn bị cho việc thực hiện các cam kết về hải quan trong khuôn khổ WTO năm 2006 cũng là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của Hải quan Việt Nam.
Hiện tại, có khoảng 30 văn kiện đa phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán có nội dung liên quan đến hải quan.
Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế đã mang lại kết quả quan trọng cho quá trình cải cách phát triển và hiện đại hóa, tuy nhiên hợp tác song phương và đa phương chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa chưa tranh thủ được các lợi ích về trao đổi, hợp tác phòng chống gian lận và buôn lậu thương mại;
Ngoài ra, một số các nội dung cam kết mới thực hiện được một phần như: cam kết về cơ chế một cửa, quản lý rủi ro, xác định trước, quy định về kiểm tra, xuất xứ hàng hóa…
Hợp tác và hội nhập của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn tới
Tổng cục Hải quan nhận định, trong thời gian tới, tình hình khu vực và thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông tác động đến thương mại quốc tế và các lĩnh vực của đời sống.
Sự phát triển của các hình thức thương mại gắn với vận tải quốc tế, kéo theo tội phạm có tổ chức hoạt động linh hoạt, đa dạng hơn và thực hiện các hoạt động bất hợp pháp như trốn thuế, gian lận thuế, vận chuyển buôn bán hàng cấm, vũ khí, ma túy, hàng giả, hàng nhái…Việc thất thu ngân sách vẫn còn nhiều nguy cơ do sự gian lận thuế và trốn thuế…
Chính vì vậy, mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2020 đưa hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý, mang lại lợi ích thực chất và đáp ứng yêu cầu cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan.
Đặc biệt, mở rộng nâng cấp hệ thống thông quan tự động, áp dụng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về nghiệp vụ và quản lý hải quan. Đồng thời, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với hải quan các nước là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam nhằm mục đích bảo vệ lợi ích kinh tế và ngăn chặn, phòng chống các vi phạm về hải quan tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và giao lưu đi lại giữa Việt Nam với các nước.
Tổng cục Hải quan hy vọng đến năm 2020, hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế được tiến hành một cách chủ động, là nhân tố tích cực cho việc xây dựng một cơ quan hải quan hiện đại, chuyên nghiệp, có những đóng góp tích cực cho hải quan thế giới về các chuyên đề nghiệp vụ, các sáng kiến hợp tác khu vực.
nguồn : Hải Quan Việt Nam