“Nóng” với đề xuất tăng giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu

0
338

Công ty vận tải Khánh Hà chia sẽ tin nóng với đề xuất tăng giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu đến quý khách hàng và các doanh nghiệp để cùng tham khảo.

Tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến đã đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ, trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, đồng thời đề xuất 2 phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Những đề xuất trên đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người lao động.

Theo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, theo năm đang ở mức thấp
Theo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, theo năm đang ở mức thấp

Doanh nghiệp ủng hộ tăng giờ làm thêm

Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện nay, số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, theo năm đang ở mức thấp và đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa theo năm để vừa bảo đảm tốt hơn quyền làm việc của người lao động nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng quy định của Bộ luật Lao động hiện hành về làm thêm giờ vẫn còn thấp, chưa vi phạm tiêu chuẩn của các nhãn hàng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu. Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử… thường phải tổ chức làm thêm giờ trong những tháng cao điểm để hoàn thành tiến độ đơn hàng dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong nước về giới hạn làm thêm giờ trong khi chưa vi phạm tiêu chuẩn của nhãn hàng.

Trong bối cảnh Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp (2.340 USD vào năm 2017 theo số liệu của World Bank), năng suất lao động còn ở mức thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn (các ngành sản xuất gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, thủy sản, da giầy, chế biến gỗ…) thì nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực để góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Do đó, việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, tăng tính linh hoạt khi tổ chức làm thêm giờ và góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đánh giá về đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Nguyễn Văn Thỏa, Phó Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty TNHH may Hùng Thắng cho biết, việc mở rộng khung làm thêm giờ đã được các doanh nghiệp có sự thâm dụng lao động cao như da giầy, dệt may, chế biến… đề xuất từ rất lâu bởi có tình trạng, doanh nghiệp khó tuyển được lao động vì không tổ chức làm thêm giờ hoặc nếu không có cam kết làm thêm giờ thì người lao động sẽ bỏ việc để chuyển sang doanh nghiệp khác có làm thêm giờ. Bên cạnh đó, nhiều lao động, để nâng cao thu nhập khi hết giờ làm việc chính thức và làm thêm giờ theo quy định, sẽ nhận làm thêm giờ ở một doanh nghiệp khác. Nhưng thời gian làm thêm giờ ở doanh nghiệp khác lại chỉ được hưởng nguyên lương thay vì sẽ được hưởng mức lương cao hơn nếu làm thêm giờ ở doanh nghiệp mà lao động có ký hợp đồng.

“Chưa kể, vào các thời điểm gần cuối năm và đầu năm để chạy đơn hàng, thường doanh nghiệp sẽ huy động lao động làm thêm giờ, việc khung làm thêm giờ được quy định không quá 300 giờ/năm theo quy định cũ đã ‘bó’ doanh nghiệp rất nhiều, trong khi bản thân người lao động cũng rất mong được tăng làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập”, ông Thỏa phân tích.

Tránh “sốc” cho người lao động khi tăng tuổi nghỉ hưu

Một trong những vấn đề hiện đang rất được người lao động quan tâm đó chính là đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này phải thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.

Theo đó, quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi với hai phương án. Phương án 1, kể từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, kể từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ở góc độ là một doanh nghiệp sử dụng lao động, bà Đỗ Thị Thúy Hương, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Viettronics cho rằng, đối với người lao động đang làm việc trên các dây chuyền, lao động trực tiếp tham gia sản xuất, cả lao động nam và nữ đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu, đều muốn nghỉ hưu sớm. Vì thế, độ tuổi nghỉ hưu không nên áp đặt một độ tuổi “cứng” đối với nam và nữ.

Cụ thể, theo bà Hương, Nhà nước nên quy định độ tuổi nghỉ hưu của hai giới ở độ tuổi bằng nhau. Nếu có ưu tiên cho nữ giới thì có thể tùy lựa chọn khung từ 55 – 60 hoặc từ 55 – 62. Nếu người lao động ở độ tuổi nào thấy hết sức lao động thì có thể xin nghỉ. Song cũng nên tham khảo ý kiến của lao động nam về tuổi nghỉ hưu xem có lựa chọn không, bởi với những khối lao động nặng nhọc thì lao động nam giới cũng có thể có nhu cầu nghỉ hưu sớm.

 

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), phương án 1 trong dự thảo sẽ là phù hợp nhất, bởi phương án này sẽ giúp giảm các tác động không tốt đến các chính sách kinh tế – xã hội tổng thể. Tuy nhiên, đối với người lao động là công nhân, lao động trực tiếp sản xuất, lao động ở những ngành nghề đặc biệt sẽ cần có những quy định chi tiết, cụ thể theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Chúng tôi chia sẽ tin nóng với đề xuất tăng giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ đến quý khách hàng và các doanh nghiệp mong rằng thông tin sẽ mang tính thiết thực giúp cho quý khách, đến với công ty vận tải Khánh Hà quý khách có thể yên tâm về chi phí, giá cả cạnh tranh hơn rất nhiều so với các công ty khác cùng dịch vụ, còn kèm theo các dịch vụ hậu mãi hợp tác lâu dài khi các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa của Khánh Hà, quý khách hàng hãy liên lạc với chúng tôi để được giải đáp và tư vấn kịp thời, tự tin về chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa đi khắp nơi của mình. Chúng tôi cam kết sẽ làm hài lòng quý khách hàng dù là khó tính nhất.

Xin chân thành cảm ơn và hi vọng được hợp tác.

Nguồn sưu tầm và tổng hợp.