Tại buổi làm việc với Cục Hải quan TP.HCM về công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, ngành phải quyết liệt rà soát, sửa đổi văn bản pháp quy nhằm đơn giản thủ tục, rút ngắn tỷ lệ KTCN xuống còn 15% vào cuối năm 2016.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đã báo cáo về tình hình thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Theo đó, Cục Hải quan TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan KTCN triển khai 2 địa điểm KTCN tập trung tại cửa khẩu cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, đưa vào hoạt động cổ thông tin Quy định của các cơ quan quản lý chuyên ngành hiện nay còn rất nhiều, trong khi đó, việc phát hiện vi phạm về KTCN rất ít, cho thấy các quy định KTCN ảnh hưởng rất nhiều đến cải cách thủ tục hàng chính của ngành Hải quan.
Báo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, những kiến nghị về công tác KTCN được Cục Hải quan TP.HCM tổng hợp từ ý kiến của 240 DN và 20 hiệp hội. Trong đó, Cục Hải quan phân thành các nhóm mặt hàng, nêu nguyên nhân về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, mối quan hệ giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan KTCN để đưa ra các kiến nghị cụ thể.
Tại buổi làm việc đại diện một số hiệp hội, hội doanh nghiệp đã nêu cụ thể những bất cập, khó khăn trong công tác KTCN đối với hàng hóa XNK của doanh nghiệp. các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thủ tục, thời gian KTCN còn phức tạp, chồng chép, kéo dài gây mất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Hòa
Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics, hiện nay có nhiều mặt hàng phải KTCN 100% gây mất nhiều thời gian và chi phí cho DN. Từ thực tế vướng mắc của các DN về KTCN, hiệp hội kiến nghị các bộ cần áp dụng 5 nguyên tắc: Nguyên tắc kiểm tra xác suất, theo cơ chế quản lý rủi ro; nguyên tắc kiểm tra một cửa, vì có nhiều mặt hàng phải KTCN tại nhiều cơ quan khác nhau; nguyên tắc công nhận nhẫn nhau. Trên thực tế, nhiều mặt hàng NK từ châu Âu đã có chứng thư của các tổ chức uy tín trênthế giới, nhưng về Việt Nam vẫn phải kiểm tra lại; nguyên tắc về chứng từ điện tử. Vì trong nhiều trường hợp, DN đã gửi hồ sơ điện tử, nhưng sau một thời gian vẫn phải gửi hồ sơ giấy; nguyên tắc công nhận chữ kí của đại lý hải quan, vì hiện nay có bất cập lớn, là các DN đã được Tổng cục Hải quan cấp phép hoạt đại lý và đã được chấp nhận chữ kí số, nhưng các cơ qua KTCN lại không chấp nhận.
Trước các vướng mắc của doanh nghiệp, đại diện các bộ, ngành đã chia sẻ, ghi nhận đồng thời cam kết sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục KTCN. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính được Thủ tướng giao và xây dựng đề án đơn giản hóa thủ tục KTCN, đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2026/QĐ-TTg. Bộ Tài chính đã có kế hoạch cụ thể hóa 39 giải pháp, trong đó có 19 giải pháp liên quan đến KTCN. Ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội đã phản ánh khá sát những bất cập về KTCN, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính tiếp thu và sẽ phối hợp với các bộ, ngành xử lý…
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, hiện nay tỷ lệ KTCN vẫn còn cao, quý I-2016 vẫn còn ở mức 39%, trong khi đó Nghị quyết số 19 của Chính phủ yêu cầu giảm xuống 15%, chính vì thế, Bộ Tài chính đã rà soát chỉ ra cụ thể, những thông tư thuộc trách nhiệm của các bộ, các bộ chủ động sửa. Đồng thời, các Bộ tăng cường hiện đại hóa công nghệ thông tin có kết nối với hải quan một cửa mới phát huy được hiệu quả theo đề nghị của cộng đồng DN. Tăng cường nguồn lực tại các tại địa điểm KTCN.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, Nghị quyết 19 đã điểm mặt, chỉ tên giao việc cho từng đơn vị. Việc triển khai Nghị quyết đã có những chuyển biến lớn, nhưng việc thực hiện của một số bộ, ngành còn chậm. Với vai trò được giao, cơ quan Hải quan đã rất nỗ lực trong việc hiện đại hóa hải quan. Hiện nay, Hải quan Việt Nam không hề thua kém các nước ASEAN, thậm chí các nước tiên tiến. Tuy nhiên, phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành. Ngay trong quý IV này, các đơn vị phải triển khai và nhất định phải giảm tỷ lệ KTCN xuống còn 15% đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng, đảm bảo KTCN ít nhất và nhanh nhất.
Nguồn: haiquan.hochiminhcity.gov.vn