Tập trung vào điều tra, bắt giữ, truy tố, xét xử tội phạm buôn bán trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác.

0
613

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa thông báo một số nội dung liên quan đến Hội nghị các nước thành viên CITES (COP17) về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả tham dự Hội nghị này.

Ngà voi nhập lậu bị hải quan phát hiện tại cảng Cát Lái tháng 11/2016

Theo đó, Hội nghị các nước thành viên CITES (COP17) tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi (từ ngày 24/9 đến ngày 5/10/2016). Hội nghị có sự tham dự của trên 2.500 đại biểu đến từ 180 quốc gia, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức thương mại… và trên 250 dại diện các cơ quan thông tấn, báo chí. Về phía Việt Nam, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, cùng đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Cơ quan Quản lý CITES, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

Hội nghị đã thảo luận và quyết định 90 nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách thực thi CITES bao gồm chống buôn bán trái pháp luật, bảo tồn, gây nuôi, thương mại bền vững cũng như hợp tác song phương, đa phương, tiếp cận liên ngành… Hội nghị cũng xem xét, quyết định sửa đổi các chú giải, các Phụ lục CITES liên quan đến 62 loài, nhóm loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Theo Bộ NN&PTNT, kết quả sau 13 ngày thảo luận,  Hội nghị CITES-COP17 đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết, Quyết định, Khuyến nghị yêu cầu Ban thư ký CITES, các ủy ban của Công ước, các quốc gia thành viên triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn, bảo vệ và thương mại bền vững động vật hoang dã, trong đó có Nghị quyết về chống tham nhũng trong thực thi CITES, Nghị quyết về buôn bán ngà voi, bảo tồn tê giác; các Quyết định không cho phép buôn bán ngà voi, sừng tê giác; không cho phép nuôi thương mại hổ…

Hội nghị CITES COP17 cũng thông qua Quyết định chuyển 08 loài tê tê vào Phụ lục I, bổ sung một số loài cá mập vào Phụ lục II CITES, áp đặt hạn ngạch xuất khẩu bằng 0 với mẫu vật của các loài sư tử từ Châu Phi (trừ nguồn nuôi sinh sản hợp pháp của Nam Phi), sửa đổi chú giải liên quan đến gỗ trắc.

Tại Hội nghị này, Việt Nam cũng đã đề xuất chuyển 04 loài động vật (gồm thằn lằn cá sấu, tắc kè đuôi vàng, tê tê Java và tê tê vàng) vào Phụ lục I CITES, và cả 04 đề xuất của Việt Nam đều được Hội nghị thông qua một cách tuyệt đối.

Các báo cáo, tham luận của Việt Nam tại hội nghị đã được các nước thành viên, nhiều tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ ủng hộ. Trong đó cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cải cách thể chế, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thể hiện được cam kết mạnh mẽ trong đấu tranh chống tội phạm, nhằm bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, các kết quả được thể hiện qua các hoạt động điều tra, bắt giữ nhiều chuyến hàng vận chuyển trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác, tê tê và các loài động vật hoang dã khác; Việt Nam cũng là nước đi đầu trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục bảo tồn và giảm cầu sử dụng động vật hoang dã từ nguồn bất hợp pháp.

Tại các cuộc họp ủy ban thường trực CITES lần thứ 67, 68, các thành viên ủy ban đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã. Ủy ban thường trực đánh giá hoạt động gây nuôi sinh sản, xuất khẩu trăn, cá sấu, khỉ đuôi dài của Việt Nam là bền vững, góp phần ổn định sinh kế của ngưòi dân;

Thông qua các Nghị quyết và Quyết định, Hội nghị CITES COP17 đã yêu cầu các quốc gia thành viên gồm các nước xuất khẩu; trung chuyển và tiêu thụ ngà voi, sừng tê giác, hổ, tê tê… cần tăng cường thực thi pháp luật; đặc biệt tập trung vào điều tra, bắt giữ, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này. Các nước trên, trong đó có Việt Nam cần tổ chức kiểm kê, đánh dấu, xây dựng cơ sở dữ liệu về các mẫu vật CITES thuộc Phụ lục I bị bắt giữ, tịch thu, trong đó tập trung kiểm kê ngà voi, sừng tê giác, các mẫu vật loài mèo lớn; công bố công khai số liệu về truy tố, xét xử tội phạm buôn bán trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác… Ngoài ra, Việt Nam phải báo cáo kết quả kiểm kê mẫu vật CITES Phụ lục I và kết quả xử lý tội phạm định kỳ hàng năm cho ủy ban thường trực và Ban Thư ký CITES đánh giá, quyết định.

Từ những Nghị quyết, Quyết định của Hội nghị CITES COP17 nêu trên, để đảm bảo thực hiện các quy định của CITES và của pháp luật Việt Nam về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương nghiên cứu kỹ các nội dung trên và chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành kiểm soát và triển khai các phương án điều tra, xử lý và truy tố các hành vi buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi và sừng tê giác.

Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ NN&PTNT tiếp tục kiểm kê các mẫu vật ngà voi, sừng tê giác, lấy mẫu giám định các mẫu vật theo các Nghị quyết và Quyết định của CITES; chia sẻ thông tin về kểt quả điều ữa, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực kiểm soát buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục I CITES, đặc biệt là liên quan đến vi phạm về ngà voi, sừng tê giác để phục vụ báo cáo ủy ban thường trực và Hội nghị CITES COP18 theo quy định của CITES.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng giáo trình ngoại khóa về bảo tồn động vật, thực vật hoang dã, đưa vào giảng dạy ở cấp tiểu học.

Được biết, Việt Nam tham gia CITES năm 1994 và là thành viên thứ 121/178 quốc gia. Mục đích của Công ước này là nhằm đảm bảo việc buôn bán quốc tế các sản phẩm, các loài động thực vật hoang dã, không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên và đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ hơn 35.000 loài động thực vật trên thế giới.

Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực phối hợp với CITES và các cơ quan hữu quan của các nước trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, đồng thời đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát phòng chống hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đóng góp tích cực cho việc triển khai CITES.

Riêng Cục Hải quan TP.HCM trong hai tháng 10 và 11/2016 đã phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra và phát hiện 7 vụ nhập lậu ngà voi qua cảng Cát Lái từ các nước châu Phí, thu giữ trên 5,5 tấn ngà voi và 277 kg vảy tê tê.

Nam Hà – Hải Quan Hồ Chí Minh