Tìm giải pháp ngăn chặn gian lận nhập khẩu vải, sợi

0
657

Tại Hội nghị gặp gỡ các DN ngành bông, sợi ngày 15/5 do Cục Hải quan TP.HCM tổ chức, lãnh đạo Cục đã cam kết và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN ngăn chặn hiện tượng gian lận trong việc NK vải, sợi tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các DN.

Tìm giải pháp ngăn chặn gian lận nhập khẩu vải, sợi

Mất thị trường vì vải, sợi “giá bèo”

Ông Nguyễn Bình An, đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, hiện nay hần hết nguyên liệu bông sợi là nhập khấu, chiếm 99,9%, trung bình mỗi năm NK từ  4-4,1 triệu tấn và con số này còn sẽ tăng mạnh trong các năm tới. Do ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá sợi từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, các DN Việt Nam không thể xuất hàng, nên  90% sợi XK của Việt Nam đều phải xuất sang Trung Quốc, do có lợi thế về giá nguyên liệu NK, chênh lệch mức thuế NK nguyên liệu sợi giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 40% . Đây là rủi ro lớn cho các DN Việt Nam khi chỉ tập trung vào một thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các DN sản xuất bông sợi còn vải đối mặt với tình trạng một số thương gia Trung Quốc chào bán giá vải, giá sợi rất tháp tại thị trường TP.HCM. Hiện tượng cạnh tranh về giá xảy ra cục bộ trên địa bàn TP.HCM.

Nói về nguyên nhân mất thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Bảo, đại diện Công ty CP dệt Đông Quan cho rằng,bắt đầu 2016, DN mất hẳn thị trưởng nội địa, do giá chào bán sợi của các DN Trung Quốc với giá rẻ. Theo điều tra của Công ty Đông Quan, DN Trung Quốc thành lập DN tại Việt Nam, cộng thêm mạng lưới bán hàng cơ động bằng cách thuê sinh viên đến từng hộ dệt vải ở quận Tân Bình -TP.HCM chào hàng, với giá rẻ. Ban đấu các đối tượng bán giá rẻ hơn từ 2.500-3.000 đồng/kg, nhưng hiện nay, mức giá chào bán rẻ hơn  của các DN bông sợi Việt Nam lên đến 5.000-6.000/kg (gần 15%). Bên cạnh đó, còn tình có tình trạng bán không xuất hóa đơn, hoặc nếu có hóa đơn thì ghi số lượng ít, giá thấp hơn nhiều so với thực tế. Khách hàng muốn giao hàng ở đâu cũng được, hoặc là tại kho hoặc là tại cảng. Hiện nay, Công ty Đông Quan phải giảm 1/3 công nhân; giảm 1/3 doanh số nội địa.

Tương tự, đại diện Công ty Dệt Bình Long có trụ sở sản xuất tại Bình Dương chia sẻ, “Các DN Trung Quốc tới cả DN tiếp thị với giá hầu hết rẻ hơn từ 7.000-8.000đồng/kg. Những DN khi cần hóa đơn họ mới mua của DN Việt nam còn không họ mau của các DN Trung Quốc để được hưởng giá rẻ. Chúng tôi không hiểu tại sao các thương gia Trung Quốc lại có giá vải, giá sợi trên thị trường quá thấp như vậy. 1 kg vải ra, giá rẻ nhất cũng phải 50.000-60.000 đồng, trong khi giá trên hóa đơn ghi có 7.100/kg thì không thể chấp nhận được”. Vị đại hiện này kiến nghị cơ quan Hải quan có biện pháp xem lại giá vải NK của các DN, bởi vì giá sợi NK theo mã HS còn giá vải thì rất nhiều mã, với nhiều mức thuế khác nhau.

Đại diện các DN bông sợi Việt Nam đều cho rằng, có 3 yếu tố tạo nên giá thành sợi, gồm: nguyên liệu, máy móc, nhân công. Trong đó, giá điện chiếm khá cao.Tại Việt Nam giá điện để sản xuất chỉ bằng một nửa Trung Quốc; lương bình quân của công nhân cũng thấp hơn nhiều; máy móc trong ngành sợi hiệu suất đầu tư như nhau, Việt nam có lợi thế rất nhiều, nhưng không hiểu sao giá vải, sợi của Trung Quốc lại được chào bán quá thấp.

Tăng cường hậu kiểm mặt hàng vải sợi giá thấp

Liên quan đến công tác kiểm tra sau thông quan đối với mặt hàng bông sợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan Phan Ngọc Mai Liêm cho biết, từ thông tin phản ánh của DN, năm 2016, Chi cục Kiểm tra sau thông quan kiểm tra 3 DN NK sợi, phát hiện DN khai báo sai mã số, truy thu khoảng 1 tỷ đồng tiền thuế. Từ đầu năm 2017 đến nay, chi cục thu thập thông tin đối với 5 DN NK sợi có giá khai báo thấp, trong đó đang thực hiện kiểm tra sau thông quan 2 DN. “Cơ quan Hải quan cam kết sẽ thực hiện kiểm tra truy thu thuế đối với các DN cố tình gian lận giá, mã số đối với mặt hàng vải, sợi để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”- bà Mai Liêm khẳng định.

Bên cạnh đó, tại khâu thông quan, các chi cục hải quan cũng đã tăng cường công tác kiểm tra nhằm tránh gian lận thuế qua giá, qua áp mã số tính thuế. Mới đây, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư phát hiện Công ty Minh Du, khai báo tại 8 tờ khai hải quan NK vải không dệt, thuế suất 0%, công chức hải quan nghi vấn chuyển kiểm tra, phát hiện DN khai báo không đúng mã số, mặt hàng thực nhập có thuế suất NK 12%, truy thu hơn 3 tỷ đồng tiền thuế.

Từ thực tế phản ánh của các DN, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hưu Nghiệp chỉ đạo trước mắt, Cục Hải quan TP.HCM sẽ cử cán bộ làm đầu mối thu thập tin từ hiệp hội và các DN . Thông tin về vấn đề hóa đơn cơ quan Hải quan sẽ được cung cấp cho cơ quan Thuế địa phương để xử lý những vấn đề liên quan đến trốn thuế nội địa. Đối những lô hàng sợi đã thông quan, trên cơ sở thông tin DN cung cấp, cơ quan Hải quan sẽ xem xét tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan. Đối với hàng trong thông quan, các chi cục lưu ý, tăng tỷ lệ kiểm tra xác suất đối với lô hàng được hệ thống phân luồng Xanh, những DN nào có thông tin vi phạm cụ thể thực hiện kiểm tra luồng Đỏ. Liên quan đến giá, các cửa khẩu cần tăng cường kiểm tra mức giá khai báo mặt hàng này./.

nguồn : hochiminhcity.gov.vn