Tổng thư ký Tổ chức hải quan thế giới (WCO), ông Kunio Mikuriya công bố năm 2017 được WCO xác định là năm của hoạt động phân tích dữ liệu với khẩu hiệu “Phân tích dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý biên giới”. Theo đó, các nước thành viên của WCO sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình và sáng kiến về thu thập, phân tích dữ liệu – yếu tố quan trọng trong quy trình hiện đại hóa hải quan hiện nay.
Các cơ quan hải quan có một số lượng đáng kể các dữ liệu sẵn có, chẳng hạn như dữ liệu mà các tổ chức, cá nhân nộp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Cơ quan hải quan cũng có thể khai thác dữ liệu từ các cơ quan khác của chính phủ, cơ sở dữ liệu thương mại sẵn có, và các nền tảng thông tin mã nguồn mở như các hồ sơ lưu trữ công cộng toàn cầu đã được số hóa và các nguồn tin đa ngôn ngữ.
Hơn thế nữa, ngày nay, có nhiều vật thể được gắn liền với các thiết bị điện tử, phần mềm, cảm biến và kết nối mạng, cho phép các vật thể này thu thập và trao đổi dữ liệu, một hiện tượng được gọi là “Mạng lưới thiết bị kết nối Internet” .
Thu thập dữ liệu để phục vụ hoạt động quản lý hải quan tưởng chừng là một hoạt động đơn giản, tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan hải quan có thể đối mặt với các rủi ro do bị quá tải với dữ liệu dồn dập. Mặt khác, dữ liệu chỉ có giá trị khi nó được sử dụng một cách hiệu quả và có hiệu suất; được sử dụng làm nền tảng, làm căn cứ cho việc ra quyết định, đặc biệt là những quyết định liên quan tới những thách thức mà cơ quan hải quan phải đối mặt hàng ngày.
Phân tích dữ liệu có thể đảm bảo khả năng cân bằng giữa hoạt động kiểm soát và tạo thuận lợi thương mại, bằng việc cho phép cơ quan hải quan:
• Cải thiện quản lý rủi ro để hỗ trợ nâng cao khả năng phát hiện những kiện hàng bất thường, trái phép, những hành vi đáng ngờ của con người, những di chuyển đáng ngờ của các dòng tài chính và tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp;
• Học tập từ các hoạt động trong quá khứ để dự đoán hành vi của tổ chức, cá nhân;
• Hợp tác giữa các cơ quan chính phủ để tận dụng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn;
• Thực hiện các nghiên cứu định lượng để phát triển tri thức;
• Nâng cao việc đo lường hoạt động để cải thiện kỹ năng và tính nhất quán của công chức. Phân tích dữ liệu do đó có thể hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu cốt lõi của cơ quan hải quan về thu thuế, bảo vệ an ninh, thu thập dữ liệu thương mại và tạo thuận lợi thương mại.
Theo Tổng thư ký WCO, ông Kunio Mikuriya, “Để đạt được những lợi ích trên, cơ quan hải quan cần phải đưa hoạt động phân tích dữ liệu trở thành ưu tiên chiến lược và công nghệ thông tin là lĩnh vực hoạt động mũi nhọn, thiết lập các chính sách tự động hóa phù hợp, tuyển dụng các chuyên gia để thực hiện thu thập và phân tích dữ liệu, ra quyết định dựa trên thông tin đã được phân tích”.
Để tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu, cơ quan hải quan cũng sẽ gặp nhiều trở ngại khác nhau, chẳng hạn như việc thiếu dữ liệu định tính, dữ liệu không được tích hợp hoặc hợp nhất; dữ liệu của các cơ quan quản lý biên giới chưa được hài hòa hóa; thiếu nguồn lực có kỹ năng; những yêu cầu thay đổi về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và văn hóa đặc biệt là bảo đảm khả năng thực thi hiệu quả các quy định về bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu.
Cũng theo tiến sỹ Mikuriya: “Phân tích dữ liệu và những thách thức có liên quan sẽ được WCO thảo luận kỹ lưỡng trong năm 2017, và tại các sự kiện như Hội nghị Thông tin và Công nghệ, Hội nghị toàn cầu về quá cảnh và các diễn đàn về công nghệ và đổi mới”.
Như một phần của sáng kiến này, WCO sẽ nâng cao hiệu quả các công cụ phân tích dữ liệu như Mạng lưới kiểm soát hải quan toàn cầu (CEN), các nghiên cứu về thời gian thông quan (TRS) như một phương pháp đo lường thời gian thông quan của cơ quan bảo vệ biên giới, kỹ thuật phân tích phản chiếu (mirror analysis) trong đó bao gồm cả việc sử dụng mã HS để so sánh dữ liệu nhập khẩu (hoặc xuất khẩu) với dữ liệu tương ứng của nước xuất khẩu (hoặc nhập khẩu) được các đối tác kinh doanh thông báo để xác định sự khác biệt về số lượng, trọng lượng hoặc giá trị…làm cơ sở phát hiện các hành vi lừa đảo, gian lận thương mại; việc sử dụng công cụ đo lường thực hiện có thể cải thiện quy trình hải quan và đảm bảo tính nhất quán, ví dụ như thông qua các kỹ thuật được trình bày trong Hướng dẫn Các hợp đồng đo lường thực hiện của WCO; và Mô hình dữ liệu hỗ trợ cho phân tích thông tin bằng việc cải thiện năng lực thu thập, cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính phủ.
Chủ đề hàng năm của WCO được phát động vào ngày Hải quan quốc tế (26 tháng Giêng hàng năm)- một ngày truyền thống được cộng đồng hải quan toàn cầu tổ chức kỷ niệm thường niên từ năm 1953 tại Lễ khai mạc của Hội đồng Hợp tác Hải quan (CCC).
nguồn : Hải Quan Việt Nam